100% tuyệt đối an toàn
Vận chuyển nội thành
0913.92.75.79
Trong 07 ngày
10 SUY NGHĨ SAI LẦM TRONG BẢO TRÌ VÀ SỬ DỤNG XE Ô TÔ
Xe ôtô luôn là một phương tiện di chuyển được quan tâm nhất,đó là lý do tại sao nhiều người rất quan tâm trong việc bảo trì chiếc xế cưng của mình.Tuy nhiên có khá nhiều chủ xe có những hiểu biết sai lầm do học hỏi kinh nghiệm kiểu truyền miệng mà không có chứng minh khoa học rõ ràng. Hãy cùng OBD Việt Nam xem 10 quan niệm sai lầm này là gì nhé !
1. Lốp bơm căng, xe đi nhẹ, bơm non hơi, phanh sẽ ăn
Đây là quan niệm khá phổ biến được cánh tài xế già bảo ban lớp trẻ. Tuy nhiên trong thực tế,khi bánh xe được bơm quá căng sẽ làm mất tác dụng giảm chấn của bánh xe và làm bánh xe nhún nhẩy trên mặt đường làm giảm hiệu quả phanh đi khá nhiều. Còn nếu bánh xe non hơi sẽ làm mất ổn định trong việc điều khiển xe mà hiệu quả phanh cũng không tăng lên được tí nào. Ngoài ra, việc bơm bánh xe không đúng với thông số chuẩn của nhà sản xuất đưa ra rất có thể làm giảm tuổi thọ của vỏ xe,gây nổ và nguy hiểm trong quá trình sử dụng xe trên đường.
2. Bánh xe càng rộng bản càng bám đường
Chưa chắc,hiện nay có thể thấy các dòng xe thể thao hay có bộ mâm to (17, 18 inch) và lốp mỏng dính, trông rất bắt mắt nhưng không phải như vậy là xe đạt hiệu quả bám đường tốt nhất. Yếu tố bám đường là lực ma sát tạo ra của lốp xe với mặt đường chủ yếu phụ thuộc vào khối lượng xe, chất lượng cao su lốp, kết cấu khung gầm. Do đó việc dùng loại lốp nào, diện tích tiếp xúc ra sao đều được tính toán kỹ lưỡng tùy theo các nhà sản xuất ôtô và các hãng cung cấp lốp riêng biệt.Việc làm này tuy sẽ làm cho cho chiếc xe của bạn trong bắt mắt mà ngầy hơn,tuy nhiên việc tự ý thay bánh xe to và mỏng sẽ dẫn đến những hệ lụy như: xóc và ồn xe, sai số đo công tơ mét, mau mòn lốp, giảm tuổi thọ các chi tiết chịu lực mà hiệu quả bám đường không cải thiện gì đáng kể.
3. Xe dùng nhiều thiết bị điện,độ đồ chơi âm thanh hay đen thì cần bình ắc-quy to.
Về phương diện kỹ thuật, bình ắc-quy chỉ là thiết bị trữ điện năng khi xe không nổ máy, khi xe đã nổ máy thì mọi trách nhiệm cung cấp điện dồn vào máy phát điện. Với những xe “nguyên bản”, nhà sản xuất đã tính toán kỹ lượng điện dùng đủ trên xe. Nếu vì ý thích cá nhân bạn độ thêm nhiều thiết bị dùng chung nguồn điện, việc xe thiếu điện chỉ được giải quyết triệt để khi thay máy phát có công suất phù hợp,có nghĩa là chúng ta nên quan tâm đến máy phát điện chứ không phải là thay bình Acquy. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao trên các xe thế hệ mới, kích thước bình điện khá khiêm tốn, bởi vì nó gần như chỉ đảm nhiệm chức năng khởi động động cơ và để ổn định điện áp trong hệ thống khỏi các xung nhiễu do máy phát điện gây ra.
4. Phanh ABS, EBD… là thiên thần hộ mệnh
Phanh ABS có nhiệm vụ làm cho những cú phanh gấp của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và an toàn hơn rất nhiều. Điều đó đúng nhưng mà là đúng khi bạn hiểu rõ được chức năng của nó. Tức là bạn phải hiểu rằngABS, EBD sẽ hỗ trợ rất nhiều nhưng không phải là tất cả ! Việc lái xe cẩn thận, lường trước mọi tình huống mới chính là thiên thần hộ mạng của bạn. Lái xe cẩu thả, chạy nhanh phanh gấp, vào cua tốc độ cao, non kinh nghiệm... sẽ rất nguy hiểm dù xe có ABS, EBD hay không.
5. Đạp bàn đạp ga vài cái trước khi nổ máy và trước khi tắt máy
Đạp ga (nhồi ga) “nguội” trước khi nổ máy để bơm xăng vào chế hòa khí và tương tự như vậy trước khi tắt máy để nạp thêm bình điện. Kinh nghiệm này được mới tập lái nghiệp dư mới học lái áp dụng phổ biến trên các dòng xe đời cũ do nhiều người đi trước đã có kinh nghiệm truyền lại. Tuy nhiên, việc làm này rất ít khi hiệu quả thực sự, bởi vì bơm xăng tiếp liệu là bơm điện (khi mở công tắc điện mới hoạt động) hay bơm cơ khí hoàn toàn không hề bị tác động khi nhấn ga. Ở các dòng xe dùng chế hòa khí có bơm tăng tốc thì thao tác này có thể giúp 1 lượng xăng được phun vào họng hút làm đậm hòa khí nhưng có khi lợi bất cập hại, việc hòa khí đậm quá có thể làm ướt buồng đốt và bugi, xe rất khó nổ máy. Còn khi xe đã nổ máy thì máy phát sẽ cung cấp điện ngay lập tức cho bình điện, trong quá trình xe chạy thì bình ắc-quy xem như đã đầy điện và việc sạc thêm trong vài giây bằng cách nhồi ga sẽ là thừa thãi hay nói đúng hơn là “ngớ ngẩn”. Hơn nữa, việc rồ ga và tắt máy đột ngột cũng đôi khi làm dư xăng ở cổ hút, có thể làm "ngộp xăng" ở lần khởi động kế tiếp.
6.Nhớt nào cũng là... nhớt
Đây là quan niệm chưa đúng,nếu bạn chỉ hiểu nôm na dầu nhớt có tác dụng bôi trơn thì nguy cơ bạn sẽ không phân biệt được dùng nhớt nào ở đâu và khi nào là rất cao. Điều đó rất nguy hiểm. Trong xe có rất nhiều thiết bị cần dầu bôi trơn để truyền áp suất, làm mát... và mỗi thiết bị đều có các loại dầu bôi trơn phù hợp như dầu phanh, dầu động cơ, dầu hộp số... Trong thành phần của các loại dầu cũng có các thông số và phẩm cấp riêng, việc dùng lẫn lộn là rất nguy hiểm hoặc chí ít là làm hỏng hay giảm tuổi thọ xe. Bên cạnh đó xe mới thì sẽ dùng loại nhớt lỏng hơn xe đã đi được nhiều cây số. Vì thế các bạn nên tìm hiểu kỹ vấn đề này nhé để tránh trường hợp tiền mất tật mang.
7. Xe đi lâu sẽ bị "nóng máy"
Đây là quan niệm chỉ đúng với những xe trục trặc về hệ thống làm mát hoặc đời xe quá cũ, Động cơ hoạt động dựa trên nhiều yếu tố. Một động cơ ổn định thì dù trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, leo dốc hay đổ đèo, xe chở hàng hay chỉ người lái, đi 1km hay hàng trăm km… thì nhiệt độ cũng vẫn ổn định ở một mức cho phép. Nếu động cơ xe bạn thay đổi nhiệt độ theo từng điều kiện khách quan thì có nghĩa là đã đến lúc bạn nên kiểm tra tổng quát xe. Cũng chính vì vậy, đôi khi không cần lo lắng thái quá khi bạn phải dùng xe chạy ở số thấp trong một quãng đường khá dài (đèo, núi...) mà hãy tập trung vào việc điều khiển xe và chọn mức số sao cho xe chạy mạnh và chủ động tốc độ.
8. Việc "ép ga" số thấp sẽ làm hại động cơ hơn là "ép số"
Thông thường khi chạy xe số sàn ở số thấp (vòng tua máy cao) gây cảm giác gầm rú khiến nhiều người lo lắng cho động cơ xe còn nếu chạy số cao ở tốc độ thấp thì lại không thấy tiếng máy gằn. Do đó, theo thói quen nhiều người “gia tăng” việc chạy số cao ở bất kỳ tốc độ nào (hay còn gọi là lười về số) vì nghĩ là làm vậy máy quay ít hơn, sẽ bền và lợi xăng. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm, gây giảm thọ động cơ nghiêm trọng. Vì việc đặt tải trọng lớn lên động cơ trong khi số vòng quay thấp (bơm dầu tạo áp lực kém) có thể phá hủy màng dầu bôi trơn và làm mòn các chi tiết trượt. Việc tua máy cao tuy gây cảm giác gầm rú nhưng lại ít gây thiệt hại cho động cơ ngoài việc tốn nhiên liệu, gây ồn và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, hãy chọn bước số phù hợp theo tốc độ và tải trọng chở của xe nếu bạn muốn điều tốt nhất cho chiếc xe của mình.
9. Chuyển số tay trong xe số tự động sẽ leo dốc khỏe hơn
Ở các xe số tự động (AT), dùng số L hay số 1 sẽ leo dốc khỏe hơn số D là suy nghĩ thường thấy ở nhiều lái xe bất kể nam hay nữ. Thực chất, dù để D hay L(1) thì xe luôn khởi hành bằng số 1 trong bộ AT, moment kéo ở bánh xe khi vượt dốc sẽ vẫn chẳng thay đổi gì khi ta để D hay L. Mục đích của nhà sản xuất khi chế tạo ra các cấp số điều khiển được là để người lái chủ động được cấp số khi sử dụng xe trên những đọan đường đặc thù như đèo dốc, cua tay áo… Khi đó xe cần giữ mức số thấp để tăng độ ổn định cũng như tận dụng được lực hãm xe của động cơ (engine braking).
10.Thường xuyên đánh bóng xe để giữ mới
Bạn có bao giờ tự hỏi là tại sao xe bạn lại bóng bẩy sau mỗi lần đánh bóng bằng hóa chất? Thực tế là trong sáp đánh bóng (Car Wax) ngoài những hóa chất nền làm sạch và làm bóng sơn xe, còn có 1 lượng nhất định bột mài làm mòn lớp sơn bị đánh. Việc đánh bóng xe quá nhiều lần khi nó chưa thật sự mờ cũ sẽ làm nước sơn xe bạn nhanh chóng bị mòn, mất lớp bảo vệ và bị bạc màu. Hãy chăm rửa sạch xe bằng các dung dịch rửa xe chuyên dùng, giữ bóng lớp sơn bằng các dung môi làm bóng sơn một cách nhẹ nhàng. Đừng để xe bạn bẩn quá lâu làm chất bẩn thấm sâu vào sơn làm mất độ bóng vốn có.
Theo songmoi.vn
Mọi thông tin cần hỗ trợ,vui lòng liên hệ :
CÔNG TY CỔ PHẦN OBD VIỆT NAM
Hotline: 0913.92.75.79 ( Mr Cường )
Tel: 08.62.864.999 - 0913.92.75.79
Chúc các bạn thành công !